Chiều 6/3, đồng chí Vũ Việt
Văn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch về tình hình hoạt động của ngành từ năm 2010 đến nay.
Báo cáo với Phó Chủ tịch
UBND tỉnh về những bước tiến vượt bậc của ngành trong những năm qua, đồng chí
Dương Quang Ứng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Những
năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt
các nhiệm vụ được giao. Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 10
nghị quyết chuyên đề, 5 quy hoạch và nhiều quyết định, quy định, chỉ thị về các
lĩnh vực quản lý của ngành. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao
ngày càng phát triển cả bề rộng, chiều sâu, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính
trị và từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Đồng chí Dương Quang Ứng báo
cáo tại buổi làm việc
Hiện toàn tỉnh có 1.303 di
tích lịch sử, trong đó, Sở đã lập hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền xếp hạng
189 di tích. Các giá trị văn hóa dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của
các di tích và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu
dân cư” được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, gắn với chương trình xây dựng
nông thôn mới. Lĩnh vực thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư, phát triển. Đến
nay, Vĩnh Phúc đã thành lập được 16 đội tuyển thể thao, với 376 vận động viên.
Giai đoạn 2010-2015, đoàn vận động viên của tỉnh đã tham gia thi đấu các giải
quốc gia, quốc tế và khu vực, giành 828 huy chương các loại. Trong đó, riêng
năm 2016 đạt 287 huy chương, tăng 249 huy chương so với năm 2010. Đối với lĩnh
vực du lịch, nhờ khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, nhất là luôn đổi
mới công tác quảng bá, phục vụ nên những năm gần đây, Vĩnh Phúc trở thành 1
trong những điểm du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh hấp dẫn với khoảng 3 triệu lượt
khách/năm, doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Sau đó đại diện các phòng,
ban, đơn vị đã báo cáo thực trạng, những khó khăn, thuận lợi và đề xuất với Phó
Chủ tịch Vũ Việt Văn về các lĩnh vực văn hóa, gia đình, quản lý di tích, thể
thao. Phân tích thêm về vấn đề nổi cộm, những hạn chế và yếu kém trong công tác
quản lý của ngành. Đồng chí Ngô Duy Đông, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch cho rằng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các mục
tiêu phát triển của ngành còn thấp, nhất là nguồn vốn dành cho việc tu bổ, tôn
tạo các di tích, đầu tư mua sắm trang thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ công
tác tuyên truyền, biểu diễn. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn
chế, chế tài xử lý vi phạm còn thiếu hoặc chưa đủ sức răn đe; chế độ đãi ngộ
các diễn viên, nghệ sỹ chưa cao, chưa đủ sức hút, níu chân những diễn viên, nghệ
sỹ tài năng. Lĩnh vực du lịch, Vĩnh Phúc còn thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng,
các cơ sở lưu trú chất lượng cao, quà lưu niệm dành cho khách du lịch.
Đồng chí Vũ Việt Văn - Phó
Chủ tịch tỉnh phát biểu chỉ đạo
Để ngành Văn hóa, Thể thao
và Du lịch của tỉnh phát triển, đồng chí Ngô Duy Đông đề nghị tỉnh quan tâm và
giải quyết một số vấn đề: Tăng đầu tư cho các lĩnh vực hoạt động của ngành, bảo
đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, đặc biệt lưu ý tăng kinh phí hỗ trợ tu
bổ, tôn tạo một số di tích xuống cấp nghiêm trọng; xem xét, sửa đổi, bổ sung,
ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với các nghệ sỹ, diễn viên hết tuổi nghề
nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu; chính sách đào tạo tài năng trẻ; cơ chế, chính
sách cho tuyển thẳng các vận động viên đã đạt huy chương tại các giải quốc tế
và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp thể dục thể thao của tỉnh làm huấn luyện
viên tại các đội tuyển, giáo viên các trường phổ thông, cán bộ văn hóa, thể
thao tại các xã, phường, thị trấn để tạo nguồn và phát hiện tài năng cho thể
thao thành tích cao của tỉnh; chính sách xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư
cho các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao… Có cơ chế khuyến khích, thu hút
các nhà đầu tư xây dựng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp; quan tâm đầu
tư, hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh; đầu tư xây dựng
trụ sở Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng; xem xét,
bổ sung biên chế/hợp đồng theo Nghị định 68 cho Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung
tâm Khoa học Văn miếu, Bảo tàng, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, Đoàn
nghệ thuật Ca múa nhạc.
Khẳng định văn hóa là lĩnh vực
rộng, khó và không được đi sau kinh tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn yêu
cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tìm ra những vấn đề yếu nhất, cần quan tâm
nhất của ngành để chủ động giải quyết trong thời gian tới. Đồng chí đánh giá
cao việc Sở đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh lập quy hoạch liên quan đến các
lĩnh vực của ngành. Đồng chí đề nghị Sở rà soát các quy hoạch, nghị quyết, quy
chế, dự án đã hết hiệu lực và đang triển khai; tiếp tục nghiên cứu, mạnh dạn đề
xuất, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, các quy hoạch,
các giải pháp nhằm quản lý tốt hơn các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và
du lịch. Cùng với đó, tăng cường biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt
tiêu biểu hàng năm của tỉnh. Quan tâm đến việc trùng tu, tôn tạo và công tác quản
lý các di tích lịch sử, tập trung vào văn hóa phi vật thể của khu vực Tây
Thiên. Tiếp tục đầu tư có trọng điểm vào những môn thể thao thành tích cao có
tiềm năng, thế mạnh và quan tâm hơn nữa đến thể thao quần chúng. Nghiên cứu và
tham mưu cho UBND tỉnh về việc tuyển chọn những VĐV có thành tích cao làm giáo
viên. Tập trung thực hiện tốt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị
tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021. Đối với lĩnh vực du lịch, Sở cần tiếp tục
nghiên cứu, tham mưu tỉnh các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư xây dựng
các khu vui chơi giải trí, có các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách.
Tin tưởng rằng, với sự quan
tâm sát sao của đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh, lĩnh vự VHTTDL sẽ hoàn thành thắng
lợi nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh.